Câu chuyện về cuộc sống của người lao động xa quê. Sáng 20/7, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) với sự tài trợ của Quỹ châu Á (TAF) và Văn phòng Quyền lao động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh “Lao động xa nhà:
Theo bà Ngô Thị Minh Hương, Giám đốc CDI, triển lãm có gần 60 bức ảnh có ý nghĩa nhất được chọn lọc từ 540 bức ảnh do người lao động gửi đến tham gia cuộc thi “Ảnh và cuộc sống người lao động di cư.”
Thông qua những bức ảnh và câu chuyện do chính người lao động gửi gắm, triển lãm sẽ góp phần kết nối người lao động di cư đến gần hơn với công chúng và các nhà hoạch định chính sách.
Các bức ảnh này đã phản ánh chân thực cuộc sống người lao động di cư với sự cô đơn, mệt mỏi, thu nhập bấp bênh, thiếu an toàn, những đứa con được nuôi nấng chưa đầy đủ. Song bên cạnh đó, vẫn thấy cả nét màu tươi sáng về hạnh phúc nhỏ bé mà người lao động tìm thấy trên con đường mưu sinh.
Điển hình như bức ảnh “Phút chợp mắt ngắn ngủi” của tác giả Dư Thị Mơ (Hải Dương) với hình ảnh người lao động tranh thủ có một giấc ngủ ngắn ngủi nhưng quý giá do thường xuyên phải làm tăng ca; bức ảnh “An toàn vệ sinh lao động – Tính mạng người lao động” của tác giả Trần Quỳnh (Hà Nội) thể hiện hình ảnh người lao động mưu sinh nên đã chấp nhận làm những công việc nguy hiểm mà không hề có trang thiết bị bảo hộ lao động; hay như bức ảnh “Không trầy xước là mừng” của tác giả Lê Mạnh Hùng (Bình Thuận) với hình ảnh những đứa trẻ nằm lăn lóc, sấp ngửa trên sàn trong một nhà trẻ tự phát; bức ảnh “Trung thu trong phân xưởng” của tác giả Nguyễn Thị Nhị Hòa (Bắc Ninh) với hình ảnh những chiếc đèn ông sao đơn giản, vài quả bóng bay và nụ cười của một nữ công nhân, không khí của ngày Trung thu đã xuất hiện đầy tự nhiên và ấm áp…
Trong dịp này, Ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi “Ảnh và cuộc sống người lao động di cư” với giải đặc biệt thuộc về bức ảnh “Bữa trưa của hai chị bán cá” của tác giả Nguyễn Thị Mai (Hà Nội) với hình ảnh hai cô bán cá cảnh rong đang chia nhau một chiếc bánh mỳ trong bữa trưa ngày ế khách. Chiếc bánh mỳ như là biểu tượng của cuộc sống của người di cư tự do: thu nhập không ổn định, nhiều rủi ro, bữa no, bữa đối, thậm chí có bữa còn không dám ăn uống.
Tác giả Châu Mai Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) đạt giải Nhất với bức ảnh về hình ảnh một em nhỏ hơn 5 tuổi giữ xe cho bà gom nhặt giấy bìa trong thùng rác trong khi bố mẹ đi làm công nhân ở xa, không có điều kiện đưa con đi theo.
Ngoài ra còn có hai giải Nhì, ba giải Ba, 10 giải Khuyến khích, một giải dành cho nữ lao động có bức ảnh đẹp và ý nghĩa nhất và một giải về cuộc sống của nữ lao động gây tác động nhất.