Trong vòng 10 năm qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng 3,42 lần, cùng với đó tỷ trọng GDP công nghiệp cũng ổn định ở mức 31-32% và tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn so với các nước trong khu vực và thế giới.
Lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân đó chính là công nghiệp. Tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp trong giai đoạn 2006 – 2015 đạt bình quân 6,9%/năm, trong đó giai 05 năm đầu đạt 5,9%/năm và 05 năm sau là 7,9%/năm.
Cũng trong giai đoạn nói trên,kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên chiếm 97,3%).
Những tín hiệu khả quan từ ngành sản xuất công nghiệp không chỉ góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam mà còn giải quyết đáng kể tình trạng thiếu việc làm và đời sống người dân được cải thiện đáng kể. Hiện khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp của đất nước.
Để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, các rào cản khiến năng suất lao động của ngành công nghiệp của chưa cao, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp, đa dạng hóa nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp.