Nhà đầu tư ngoại đột ngột đóng cửa trang mua bán Lingo.vn khiến cho hơn 265 người “bị hất ra đường”, nhiều quyền lợi không được đảm bảo, và ẩn sau đấy là những chuyện cười không ra nước mắt.
Đầu tháng 8, trang thương mại điện tử Lingo.vn thông báo ngừng hoạt động. Lingo không phải là trang thương mại điện tử đầu tiên ở Việt Nam bị khai tử, tuy nhiên, “đám ma” Lingo lại chẳng hề êm đẹp. Gần 1 tháng sau “cái chết” của trang, trên mạng xã hội đã xuất hiện lá tâm thư của nhân viên Lingo với nội dung “tố” nhà đầu tư coi người lao động như rơm như rác.
Hầu hết nhân viên của Lingo đều bàng hoàng trước thông tin này. Theo lời kể, ngày 2/8 đại diện nhà đầu tư MAJ thông báo giải thể công ty trong một cuộc họp đột xuất được thông báo trước chỉ vài tiếng đồng hồ, toàn bộ nhân viên được cho nghỉ ngay chiều hôm đó.
Cuộc họp đột xuất tuyên bố giải thể của nhà đầu tư sở hữu Lingo .vn, kèm theo thông báo cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên kéo dài trong 45 phút.
“Tôi chỉ mới làm mấy tuần mà từ một người đang có công ăn việc làm trở thành một người thất nghiệp. Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Không thể có chuyện anh dừng giữa chừng, báo tôi trước 45 phút và anh đuổi tôi ra đường” – Bà Nguyễn Thị Hải Yến, nguyên Trưởng phòng Thu mua, Công ty Lingo bức xúc chia sẻ.
“Việc nhân viên nghỉ một cách đột ngột như vậy vừa không được hỗ trợ từ phía nhà đầu tư, không được báo trước đồng thời cũng chưa chốt sổ bảo hiểm” – bà Trần Kim Oanh, nguyên Giám đốc khối Vận hành, đại diện Công đoàn Công ty Lingo cho biết.
Chưa chốt được vấn đề bảo hiểm bởi đến thời điểm này người lao động vẫn chưa nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Hiện Lingo vẫn chỉ đang trong giai đoạn nộp hồ sơ giải thể, chứ chưa chính thức được Sở Kế hoạch Đầu tư cho phép, tức là, Lingo vẫn còn trách nhiệm với người lao động. Bởi theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ có thể giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Nguồn: VTV